Tiểu ra máu phát hiện ung thư tuyến tiền liệt
Nhờ phát hiện K tuyến tiền liệt giai đoạn sớm, bệnh nhân được phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn tuyến tiền liệt, kèm túi tinh để triệt căn.
Khác với tâm trạng nặng trĩu khi nhận được kết quả bị ung thư tuyến tiền liệt, ông Đặng Chí Hiếu (56 tuổi, Đồng Nai) sau một tuần điều trị phẫu thuật khối u, tinh thần vui vẻ, sức khỏe hồi phục tốt, vết thương mềm, dịch khô, có thể ăn uống, đi lại, không còn đi tiểu ra máu và được xuất viện sau đó.
Ông Đặng Chí Hiếu cho biết, cách đây 2 năm trong lần khám sức khỏe tổng quát ở cơ quan, bác sĩ cho biết tuyến tiền liệt ông của ông hơi to, chỉ số PSA cao cần phải kiểm tra và theo dõi sức khỏe định kỳ (PSA là một protein được sản xuất bởi mô ung thư và mô lành trong tuyến tiền liệt, đây là phương tiện để tầm soát ung thư tuyến tiền liệt). Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này do dịch Covid -19 ảnh hưởng nên ông Hiếu không thăm khám sức khỏe thường xuyên.
Thời gian gần đây, ông Hiếu có xuất hiện một vài biểu hiện bất thường khi đi tiểu cảm giác tiểu gắt, tiểu có máu nên đã đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Sau khi xem xét các triệu chứng lâm sàng và chỉ số PSA, PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên (Giám đốc Trung tâm Tiết niệu – Thận học, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh TP HCM) chỉ định người bệnh làm các xét nghiệm chẩn đoán bao gồm chụp cộng hưởng từ (MRI) vùng chậu, tuyến tiền liệt và làm sinh thiết. Kết quả cho thấy tình trạng ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn II. Bác sĩ chỉ định bệnh nhân phẫu thuật để triệt căn mầm mống ung thư.
Bác sĩ Vũ Lê Chuyên cho biết, ung thư tuyến tiền liệt có 3 phương pháp điều trị, phương pháp điều trị tùy thuộc vào giai đoạn bệnh, cũng như tình trạng sức khỏe của người bệnh mà bác sĩ sẽ tư vấn phù hợp. Nếu khối u ở giai đoạn sớm (giai đoạn I-II) phương pháp điều trị tối ưu là phẫu thuật, cắt trọn khối u tuyến tiền liệt kèm với túi tinh, trường hợp này được tiên lượng rất tốt.
Nếu ở giai đoạn muộn hơn (giai đoạn III-IV), khối u đã di căn sẽ điều trị bằng thuốc ức chế nội tiết, có thể kết hợp với hóa trị, xạ trị. Trường hợp bệnh nhân ở giai đoạn nặng nhưng lớn tuổi, có kèm theo các bệnh lý tim mạch, tiểu đường, có nguy cơ bệnh lý nguy hiểm, bác sĩ sẽ không can thiệp điều trị, để kéo dài sự sống cho người bệnh.
Đối với tình trạng của ông Hiếu, khi chẩn đoán bị ung thư ở độ tuổi trẻ (so với bệnh lý ông mắc phải), ông Hiếu cũng đối diện với tâm lý lo lắng và sợ hãi như rất nhiều người khác: sợ đau đớn khi mổ, liệu khi mắc bệnh này mình sẽ sống được bao lâu, sau khi mổ có bình thường hay không, bác sĩ có mổ triệt căn không?
Tuy nhiên, theo bác sĩ Vũ Lê Chuyên, kinh nghiệm cho thấy, tuổi càng trẻ, khi bị ung thư mà mổ được vẫn là cách điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Đây là phương pháp điều trị tận gốc, triệt căn có thể thực hiện bằng phẫu thuật nội soi hay phẫu thuật mở (tùy theo tình trạng của người bệnh).
Ca mổ ông Hiếu kéo dài 4 tiếng diễn ra thuận lợi, tốt đẹp, bác sĩ đã cắt bỏ toàn bộ tuyến tiền liệt, kèm tất cả túi tinh, nạo hết hạch và mô xung quanh tuyến tiền liệt. Hậu phẫu, sức khỏe bệnh nhân ổn định, sau 7 ngày được cắt chỉ và xuất viện, sau 14 ngày sẽ rút ống thông tiểu. Ông Hiếu sẽ được theo dõi sức khỏe và thăm khám sức khỏe định kỳ 3 tháng/lần.
Bác sĩ Vũ Lê Chuyên cho biết, ung thư tuyến tiền liệt được coi là bệnh lý của đàn ông lớn tuổi. Độ tuổi thường gặp là từ 65 tuổi trở lên. Cho đến nay, bệnh lý này vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân, tuy nhiên, bệnh đã được chứng minh là có mối quan hệ mật thiết với một số yếu tố như tuổi tác, gen, chủng tộc (người da vàng tỷ lệ mắc ít hơn người da trắng và da đen), môi trường, hóa chất độc hại, chế độ dinh dưỡng mất cân bằng.
Khi các tế bào tuyến tiền liệt phát triển không bình thường hay mất kiểm soát sẽ hình thành khối u. Thông thường, ở giai đoạn đầu, bệnh thường phát triển chậm không triệu chứng, hoặc triệu chứng rối loạn tiểu tiện dễ gây lầm tưởng với các bệnh lý khác như: tiểu đêm nhiều lần, tia nước tiểu yếu, tiểu không tự chủ, bí tiểu cấp tính, nước tiểu có máu…. Nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh có thể điều trị triệt căn, sống thêm được nhiều năm.
Tuy nhiên, bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn, ung thư tiến triển rất nhanh, có thể di căn vào các cơ quan bên cạnh hoặc di căn xa các bộ phận xa như: xương, gan, phổi khiến việc điều trị khó khăn, phức tạp, tốn kém và có khả năng tử vong cao. Do vậy, bác sĩ Vũ Lê Chuyên khuyên nam giới bên cạnh xây dựng lối sống lành mạnh, cần thăm khám sức khỏe định kỳ để tầm soát, giúp phát hiện và điều trị bệnh kịp thời. Đặc biệt, khi có dấu hiệu bất thường cần nên thăm khám ngay, phòng ngừa bệnh tiến triển xấu, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Comments are closed.