Filler chỉ được tiêm ở mặt, cổ và tay
Filler là một chất làm đầy được sử dụng trong ngành thẩm mỹ da, nhằm khắc phục các vùng da bị chảy xệ, trũng, vùng cơ thể bị thiếu hụt thể tích (teo mô mỡ, thiếu hụt collagen, elastin, HA ở da do quá trình lão hóa… gây ra những nếp nhăn). Do đó chất làm đầy thường được tiêm để làm đầy nếp nhăn ở mặt, cổ và tay.
Thạc sĩ bác sĩ Vũ Thị Thùy Trang, chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết filler (chất làm đầy) bao gồm: chất làm đầy tổng hợp, silicon, mỡ tự thân, HA… Hiện filler HA được sử dụng phổ biến do tính an toàn cao và được FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) chấp thuận.
Tiêm filler là một quy trình thẩm mỹ nội khoa. Chất làm đầy được tiêm vào dưới da để làm che lấp các nếp nhăn, phục hồi nhan sắc khuôn mặt; thậm chí cải thiện các khuyết điểm trên khuôn mặt, khắc phục các dấu hiệu lão hóa để vẻ ngoài trẻ trung hơn, làm thon gọn gương mặt.
Filler là một chất làm đầy, khi tiêm không đúng kỹ thuật dễ gây biến chứng nguy hiểm bao gồm: tiêm thuốc vào mạch máu, chất làm đầy không tan sẽ làm tắc mạch máu hoặc tiêm chất làm đầy quá nhiều gây chèn ép mạch máu. Mạch máu bị tắc hoặc chèn ép dẫn đến thiếu máu nuôi ở bộ phận được tiêm, gây hoại tử (hoại tử da, cơ, các cơ quan trong cơ thể). Nếu tiêm ở gần mắt, chất filler vào động mạch mắt gây tắc mạch máu nuôi ở mắt sẽ dẫn đến mù lòa nhanh chóng.
Bác sĩ Trang cho biết hiện FDA chỉ chấp thuận cho tiêm filler ở vùng mặt, cổ và tay. Các trường hợp tiêm filler khác (còn gọi là filler body) đều không được FDA chấp thuận cho đến hiện nay (dù đã có một vài nghiên cứu sử dụng chất làm đầy để tiêm vào mông). Những trường hợp tiêm chất làm đầy không được FDA chấp thuận bao gồm:
Không tiêm filler vào ngực, mông hoặc khoảng trống giữa các cơ để tạo đường nét hoặc cải thiện cơ thể trên quy mô lớn. Bởi điều này dễ dẫn đến các tổn thương nghiêm trọng, bao gồm tình trạng đau kéo dài, để lại sẹo, nhiễm trùng, biến dạng vĩnh viễn, thậm chí tử vong.
Không sử dụng các thiết bị bơm tiêm không có kim tiêm để đưa filler vào da. Các thiết bị này thường sử dụng áp suất cao, khó kiểm soát vị trí của chất làm đầy khi được đưa vào da và gây ra các vết thương nghiêm trọng. Thậm chí, trong một số trường hợp còn gây ra các tổn thương vĩnh viễn cho da, môi và mắt.
Không tự ý mua và sử dụng các chất làm đầy được bán trực tiếp bên ngoài. Filler dạng này không được kiểm định chặt chẽ, có khả năng bị nhiễm hóa chất hoặc các virus gây bệnh.
Hiện trên thị trường sử dụng một số chất làm đầy không rõ nguồn gốc xuất xứ, thành phần đe dọa đến an toàn của người sử dụng. Ngoài ra, tiêm filler cần được thực hiện bởi bác sĩ có chứng chỉ hành nghề, đã được đào tạo và có chứng chỉ tiêm filler.
Người dân muốn tiêm filler khắc phục tình trạng da trũng, nhăn, chảy xệ, teo mô mỡ cần chọn cơ sở y tế chất lượng, uy tín, được thực hiện bởi bác sĩ đã được cấp chứng chỉ hành nghề. Bác sĩ sẽ sử dụng một cây kim mỏng hoặc canule (dạng ống nhựa mềm luồn dưới da) để tiêm chất làm đầy vào dưới da. Tùy theo tình trạng nếp nhăn, vùng thiếu hụt thể tích mà quá trình tiêm có thể mất 15 phút cho đến tối đa 1 giờ.
Trong 24 giờ sau tiêm filler, bác sĩ phải thăm hỏi và theo dõi kỹ các phản ứng của người bệnh nếu có. Các biển hiện khi bị biến chứng tắc mạch máu khi tiêm filler bao gồm: vùng da thay đổi màu sắc, tái nhợt (do thiếu máu nuôi), đau ở vùng tiêm. Khi đó, người bệnh cần đến bệnh viện để được tiêm thuốc giải, giúp làm tan nhanh chất làm đầy tránh chèn ép hoặc tắc mạch máu.
Bác sĩ Vũ Thị Thùy Trang cho biết tiêm filler ở vùng da mặt, cổ, và tay chỉ dùng 1 lượng nhỏ chất làm đầy tính bằng mililit. Khi tiêm filler lượng nhỏ thường không cần tiêm thuốc tê nên trường hợp sốc thuốc tê khi tiêm filler sẽ ít. Nếu người bệnh bị sốc thuốc sẽ có các triệu chứng bao gồm: hồi hộp, tim đập nhanh, vã mồ hôi, tụt huyết áp, tay chân lạnh, khó thở, mất tri giác, hôn mê thậm chí tử vong. Ngay lúc đó, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Bác sĩ Trang nhấn mạnh khi đi tiêm filler tại bệnh viện, bác sĩ sẽ kiểm tra, đánh giá khuôn mặt, xác nhận và đánh dấu những điểm cần tiêm filler. Ngoài ra, bác sĩ cũng đề xuất chất làm đầy phù hợp và tư vấn cho khách hàng kỹ lưỡng về thời gian phục hồi, các tác dụng phụ có thể xảy ra. Người bệnh cần trả lời trung thực các câu hỏi của bác sĩ về tiền sử bệnh, dị ứng và các loại thuốc đang sử dụng, các quá trình tiêm chất làm đầy trong quá khứ, các thủ thuật thẫm mỹ khác như căng chỉ, botox… để bác sĩ tìm một liệu trình thẩm mỹ tốt nhất cho bạn. Một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ biến chứng sau khi tiêm chất làm đầy.
Bảo Cốt Hoàn mạnh gân cốt; giảm các triệu trứng đau nhức xương khớp, đau mỏi vai gáy, tê bì chân tây do khí huyết ứ trệ & do phong thấp. Sản phẩm đang được phân phối tại hệ thống nhà thuốc Coastline Care.
Comments are closed.