Cứu cô gái 19 tuổi thoát khỏi suy tim do cường giáp
Cô gái 19 tuổi mệt, khó thở, tim đập nhanh, chóng mặt, nôn mửa, được đi cấp cứu trong đêm, bác sĩ nhận định nếu không cấp cứu kịp thời có thể suy tim.
Sau 5 ngày điều trị tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM, nhịp tim chị H.M.N. (19 tuổi, Tiền Giang) từ 150 lần/phút đã về khoảng 100 lần/phút (nhịp tim bình thường khoảng 60 – 100 lần/phút). Chị N. được bác sĩ khoa Nội tiết – Đái tháo đường thăm khám, hướng dẫn điều trị bằng thuốc tại nhà và tái khám định kỳ.
Hormon FT4 vượt ngưỡng không đo được
Chị N. cho biết gần một năm nay chị thường xuyên mệt, khó thở, tim đập nhanh, nhất là khi leo cầu thang, tập thể dục. Khi tới tiết học thể dục, chị thường xuyên xin thầy giáo cho nghỉ giữa chừng. Mỗi tối, chị khó ngủ vì hồi hộp, đánh trống ngực nhưng không đi khám vì sợ kim tiêm.
Khuya 17/5, chị rơi vào tình trạng đau ngực, khó thở, buồn nôn, chóng mặt và vào BVĐK Tâm Anh TP.HCM cấp cứu.
Bác sĩ CKI Phan Tuấn Trọng, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết nhịp tim người bệnh đập nhanh 150 lần/phút (nhịp tim bình thường 60 – 100 lần/phút khi nghỉ ngơi). Người bệnh kèm theo các triệu chứng mệt, khó thở, tuyến giáp to, bác sĩ Trọng nghĩ nhiều đến bệnh cường giáp.
Ngay lập tức, chị N. được xét nghiệm máu kiểm tra hormone tuyến giáp và siêu âm tim ngay tại giường cấp cứu. Kết quả nồng độ nội tiết tố FT4 (một trong 2 hormone cơ bản nhất của tuyến giáp) tăng 100 pmol/l (mức bình thường từ 12 – 22 pmol/l ) vượt ngưỡng không thể đo được, hormone TSH giảm xuống còn 0.005 microIU/ml (bình thường 0.27- 4.2 microIU/ml). Kết quả siêu âm tim bình thường. Đúng như chẩn đoán ban đầu, chị N. bị cường giáp cần được kiểm soát nhịp tim sớm.
Nhanh chóng, chị được uống thuốc kiểm soát nhịp tim, thuốc kháng giáp… 2 giờ sau cấp cứu, nhịp tim chị N. giảm từ 150 xuống 118 lần/phút. Chị được chuyển lên khoa Nội tiết – Đái tháo đường tiếp tục theo dõi và điều trị.
Phát hiện bệnh sớm tránh biến chứng
Bác sĩ CKI Võ Trần Nguyên Duy, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết chị N. được điều trị nội khoa với thuốc kháng giáp tổng hợp và thuốc ổn định nhịp tim. Người bệnh được xuất viện sau 5 ngày điều trị.
Bác sĩ Duy hướng dẫn chị N. khi về nhà tiếp tục điều trị cường giáp theo toa thuốc và tái khám sau 1 tuần. Nếu có các triệu chứng bất thường, người bệnh cần đi khám tại khoa Nội tiết – Đái tháo đường.
Bác sĩ Duy khuyến cáo người bệnh cường giáp không tự ý ngưng thuốc hay đổi thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ nội tiết. Điều này khiến tình trạng bệnh tiến triển phức tạp hơn, kéo dài thời gian điều trị, thậm chí xảy ra biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra, người bệnh cường giáp nên hạn chế ăn rau câu, rong biển (thực phẩm có chứa nhiều i-ốt) và khám sức khỏe định kỳ.
Cường giáp là tình trạng hormone tuyến giáp được sản xuất nhiều hơn nhu cầu của cơ thể, làm tăng nồng độ hormone giáp trong máu, gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở, hồi hộp, tim đập nhanh. Nếu tình trạng bệnh kéo dài, tim hoạt động nhiều hơn mức bình thường và thường xuyên sẽ gây loạn nhịp tim, cuồng nhĩ tiến triển tới suy tim; thậm chí ngưng tim. Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp các vấn đề nghiêm trọng về xương, cơ, chu kỳ kinh nguyệt và khả năng sinh sản. Do vậy, khám tầm soát các bệnh về tuyến giáp thường xuyên giúp phòng ngừa và phát hiện sớm bệnh cường giáp.
Truepower tăng cường khả năng sinh lý nam giới, hạn chế quá trình mãn dục sớm. Sản phẩm đang được Hệ thống nhà thuốc Coastline Care phân phối hàng chính hãng và giao hàng tận nơi trên toàn quốc
Comments are closed.