Biến chứng nguy hiểm do lầm tưởng về tăng huyết áp
Không điều trị, tự ý ngưng thuốc, bỏ tái khám, dùng toa thuốc người khác… khiến bệnh tăng huyết áp tiến triển gây đột quỵ, suy thận, suy tim, nhồi máu cơ tim…
Anh Duy Tùng (46 tuổi, ngụ Long An) vẫn uống thuốc huyết áp đều đặn nhưng gần 3 năm không đi tái khám mà dùng lại toa cũ. Đầu tháng 4, anh khởi phát cơn đau ngực lan ra sau lưng, khó thở, vã mồ hôi, nôn ói. Thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, bác sĩ cho biết anh bị nhồi máu cơ tim cấp do hẹp 98% động mạch vành trái.
Ngoài ra, chức năng co bóp cơ tim (EF) giảm còn 40% (chỉ số bình thường trên 60%) cho thấy anh bị suy tim độ II. Đây là hệ quả của tình trạng tăng huyết áp diễn tiến trong thời gian dài, không được kiểm soát hiệu quả. Anh được can thiệp nong mạch vành khẩn cấp và điều trị nội khoa ổn định huyết áp, ngăn suy tim tiến triển.
Tình cờ phát hiện tăng huyết áp trong lần đi tiêm vắc xin Covid-19 từ 2 năm trước nhưng anh Minh Nghĩa (30 tuổi, Bình Dương) không điều trị vì nghĩ bệnh nhẹ và anh hoàn toàn khỏe mạnh. Gần đây, anh thường xuyên đau đầu, khó ngủ nghĩ do stress nên cũng chần chừ chưa đi khám.
Ngày 10/4, khi công ty tổ chức khám sức khỏe định kỳ, anh bất ngờ khi bác sĩ thông báo chỉ số xét nghiệm đạm trong nước tiểu tăng bất thường, chức năng lọc cầu thận còn 60%, chẩn đoán suy thận độ 2.
Chị Thanh Loan (Quận Phú Nhuận, TP HCM) rất bất ngờ khi nghe bác sĩ thông báo con trai 10 tuổi của chị bị tăng huyết áp. Gần đây, thỉnh thoảng bé bị nhức đầu, mặt đỏ bừng, chóng mặt. Chị nghĩ do thời tiết nắng nóng, bé vui chơi hoạt động nhiều nên mệt, sau khi nghỉ ngơi thì bé khỏe khoắn, chạy nhảy bình thường nên chị không thăm khám. “Tôi tưởng bệnh huyết áp cao chỉ gặp ở người già chứ trẻ con không thể mắc được”, chị Loan nói.
ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều, Trưởng khoa Nội tim mạch 1 BVĐK Tâm Anh TP HCM cho biết, không riêng gì các bệnh nhân trên, rất nhiều người bị tăng huyết áp lâu năm gặp phải biến chứng suy tim, hẹp mạch vành, cơn thiếu máu não thoáng qua, sa sút trí tuệ, thậm chí nhồi máu cơ tim và đột quỵ não.
Nguyên nhân chủ yếu do người bệnh dùng một toa thuốc huyết áp nhiều năm liền không tái khám, thậm chí tự mua thuốc uống. Đáng lo ngại hơn, người bệnh cho rằng tăng huyết áp chỉ gặp ở người lớn tuổi nên chủ quan không điều trị hoặc tự ý ngưng thuốc khi thấy chỉ số ổn định… Bệnh không được kiểm soát, diễn tiến âm thầm gây biến chứng đe dọa tính mạng.
“Phần lớn là tăng huyết áp vô căn và không có triệu chứng rõ ràng. Chỉ một số ít bệnh nhân có biểu hiện nhức đầu, chóng mặt, ù tai, mặt đỏ bừng, buồn nôn, lo lắng… còn lại hầu như bệnh diễn tiến âm thầm. Có không ít trường hợp đột tử nhưng trước họ hoàn toàn khỏe mạnh, vẫn nói chuyện bình thường”, bác sĩ Kiều chia sẻ.
Tăng huyết áp thứ phát có nguyên nhân do bất thường ở các cơ quan như hẹp động mạch thận, thận đa nang, viêm cầu thận cấp, viêm đài bể thận… chiếm tỷ lệ cao nhất.
Ngoài ra, còn có thể do bệnh lý tim mạch (hẹp eo động mạch chủ, Takayasu…), nội tiết (cường giáp, nhược giáp, tăng sinh tuyến thượng thận bẩm sinh, cường Aldosterone…). Tăng huyết áp thứ phát thường biểu hiện sớm ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ, cụ thể là trẻ dưới 9 tuổi.
Tăng huyết áp nguyên phát hay còn gọi là tăng huyết áp vô căn, không xác định rõ nguyên nhân. Bệnh liên quan chặt chẽ với tình trạng thừa cân béo phì, chế độ ăn mặn nhiều muối và dầu mỡ, ít vận động, stress…
Theo Medical News Today, tăng huyết áp ảnh hưởng đến khoảng 7,5% người từ 18-39 tuổi, 33,2% người từ 40-59 tuổi và 63,1% người trên 60 tuổi trên thế giới. Tại Việt Nam, có tới 47,3% người trưởng thành mắc bệnh tăng huyết áp, gần 60% trong số đó chưa được phát hiện và trên 80% chưa được điều trị. Cũng theo một nghiên cứu của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, hơn 50% số trẻ 7 tuổi bị tăng huyết áp do béo phì và tỷ lệ này tăng lên 85-95% ở lứa tuổi thanh thiếu niên.
Bác sĩ Kiều nhấn mạnh, người bệnh tăng huyết áp buộc phải uống thuốc hàng ngày để kiểm soát huyết áp dù chỉ số huyết áp luôn ổn định. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần tái khám theo lịch hẹn. Khi thăm khám trực tiếp, bác sĩ đánh giá triệu chứng, có thể yêu cầu thêm xét nghiệm máu, siêu âm tim, chụp cắt lớp vi tính… Trên cơ sở đó, bác sĩ có thể điều chỉnh liều lượng thuốc, đổi thuốc mới và tư vấn chăm sóc phù hợp.
Người bệnh tăng huyết áp kèm các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, suy thận, suy tim… cần tái khám định kỳ để được kiểm tra tình trạng huyết áp và bệnh đi kèm để điều chỉnh liều lượng hoặc thay đổi thuốc nếu cần. Trường hợp trẻ có tiền sử gia đình tăng huyết áp, thừa cân, béo phì, thường xuyên tiếp xúc khói thuốc lá… nên được kiểm tra sức khỏe tim mạch định kỳ hàng năm để phát hiện sớm bất thường và điều trị kịp thời.
* Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi.
Vào lúc 20h tối nay (14/4), trên fanpage VnExpress và Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh diễn ra chương trình tư vấn sức khỏe trực tuyến “Tăng huyết áp: Nguy cơ đột quỵ, suy thận & Bệnh tim mạch”, nhằm giải đáp thắc mắc về tăng huyết áp, các biến chứng nghiêm trọng của bệnh, lưu ý trong điều trị, cách phòng ngừa…
Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM: ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều (Trưởng khoa Nội tim mạch 1), ThS.BS.CKII Nguyễn Thị Ngọc (Bác sĩ Nội Tim mạch) và BS.CKI Lương Minh Thông (Bác sĩ Tim mạch Nhi).
Độc giả có thể đặt câu hỏi trực tiếp qua fanpage hoặc gửi tại đây để được chuyên gia giải đáp.
Thực phẩm chức năng LIPIXGO hỗ trợ giảm biểu hiện của tăng huyết áp, tăng cường sức bền thành mạch & giảm nguy cơ xơ vữa động mạch và hỗ trợ giảm biểu hiện của tăng huyết áp
Hệ thống nhà thuốc Coastline Care phân phối hàng chính hãng và giao hàng tận nơi trên toàn quốc
Comments are closed.