Biến chứng dính thắng lưỡi, viêm amidan và các bệnh Tai Mũi Họng
Trẻ không được khám, điều trị sớm các bệnh Tai Mũi Họng như dính thắng lưỡi, viêm amidan, viêm VA…, có thể gặp biến chứng chậm nói, ngưng thở khi ngủ, suy giảm thính lực… ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ và thể chất.
Chậm nói do tật dính thắng lưỡi
Thấy con hơn 3 tuổi chậm nói, sợ bị tự kỷ, chị Nguyễn Thanh Như (30 tuổi, TP.HCM) đưa đi khám thì bất ngờ khi bác sĩ cho biết nguyên nhân do dính thắng lưỡi.
“Lẽ ra lúc một tuổi con không ê a tôi nên đưa bé đi khám. Nghe bà con hàng xóm nói 3 tuổi chưa nói được cũng không sao. Khi nào cần nói con sẽ tự bật ra nói thôi. Lúc Chi hơn 3 tuổi, sốt ruột quá tôi đưa con đi khám mới phát hiện bị dính thắng lưỡi bẩm sinh. Giờ con chậm hơn các bạn tôi cứ dằn vặt mãi”, chị Như chia sẻ.
Sau một tuần cắt thắng lưỡi tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM, bé Mai Chi (3 tuổi) con chị Như đã có thể phát âm rõ tên mình, đếm một mạch từ 1 đến 10. Đây là điều chị Như chờ đợi suốt 2 năm qua. Do lưỡi của bé bị dính nhiều năm nên kém linh hoạt, bé cần tiếp tục tập trị liệu sau phẫu thuật.
PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy – Cố vấn chuyên môn Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, dính thắng lưỡi là một trong những dị tật bẩm sinh họng, miệng thường gặp. Phần lớn trẻ sơ sinh mắc tật dính thắng lưỡi được phát hiện ngay sau khi sinh, hoặc trong tháng đầu đời khi đi khám sức khỏe và chích ngừa, nhưng cũng nhiều trẻ phát hiện muộn hơn. Các triệu chứng thường gặp là khó bú, chậm tăng cân hoặc nói khó, nói ngọng ở độ tuổi tập nói… Trẻ cần được cắt thắng lưỡi nếu mức độ dính nặng, ảnh hưởng nhiều đến chức năng bú, phát âm của trẻ sau này. Thời điểm cắt dính thắng lưỡi tốt nhất là 3-6 tháng tuổi hoặc trước độ tuổi tập nói.
Ngưng thở khi ngủ do viêm amidan mạn tính
Bên cạnh tật dính thắng lưỡi bẩm sinh, Phó giáo sư Trần Phan Chung Thủy nhấn mạnh, các bệnh viêm đường mũi họng thường gặp ở trẻ như viêm amidan, viêm VA, viêm tai giữa… cũng có thể gây biến chứng ngưng thở khi ngủ, giảm thính lực… cho trẻ nếu không điều trị sớm, hoặc điều trị không đúng cách.
Chẳng hạn như trường hợp bé Hoàng Trung (11 tuổi, Thủ Đức) thường xuyên bị ho, đau họng và sốt 7-8 đợt mỗi năm do viêm amidan tái phát. Do nghĩ bé bị viêm họng bình thường nên anh Hoàng Thắng chỉ mua kháng sinh và thuốc ho cho con uống. Gần đây, thấy con ngủ ngáy to và thở mạnh, anh Thắng đưa đi khám phát hiện ngưng thở khi ngủ. Đây là biến chứng của viêm amidan, tiến triển thành mạn tính.
“Viêm amidan không được điều trị triệt để trong thời gian dài sẽ dẫn đến thiếu oxy não ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ”, Phó giáo sư Trần Phan Chung Thủy nhấn mạnh.
Viêm amidan, viêm VA nằm ở vùng hầu họng nên nhiều người thường nhầm lẫn với viêm họng. Theo Phó giáo sư Trần Phan Chung Thủy, trẻ có thể mắc các bệnh này quanh năm, đặc biệt trong thời điểm giao mùa xuân hè và thu đông. Những trẻ có hệ miễn dịch suy yếu cũng dễ phát bệnh nếu bị nhiễm virus cúm, phế cầu khuẩn… gây ra các triệu chứng ho, đau họng, sốt.
Nếu tình trạng viêm amidan tái phát từ 5 lần/năm, viêm VA quá phát to lên gây bít đường thở, ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ, khó nuốt, hôi miệng, viêm tai giữa tái phát, nghe kém… cần cắt amidan, nạo VA sớm.
Phó giáo sư Trần Phan Chung Thủy nhấn mạnh, nếu tình trạng viêm đường mũi họng kéo dài quá 2 tuần không khỏi, phụ huynh nên đưa con tới bệnh viện thăm khám. Không tự ý điều trị bằng kháng sinh hay các loại thuốc không được bác sĩ kê đơn. Trường hợp cần phẫu thuật, ba mẹ cũng không nên quá lo lắng. Hiện nay có nhiều phương pháp phẫu thuật hiện đại, ít xâm lấn, hạn chế chảy máu, giảm đau, giảm nhiễm trùng sau mổ.
Phẫu thuật dính thắng lưỡi, cắt amidan, nạo VA nhẹ nhàng, không đau, mau lành
Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, thủ thuật cắt thắng lưỡi được thực hiện nhẹ nhàng, cầm máu tại chỗ, không đau sau mổ nên không ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ. Đặc biệt, thời gian phẫu thuật chỉ khoảng 10 phút, phương pháp gây mê “mặt nạ ngủ” với liều thuốc mê thấp nên trẻ hoàn toàn tỉnh táo, uống sữa bình thường sau thủ thuật và xuất viện trong ngày.
Nếu như phương pháp truyền thống sử dụng dao điện để cắt amidan, nạo VA mất nhiều thời gian, thì việc ứng dụng công nghệ Coblator hoặc Plasma với lưỡi dao mỏng, thiết kế dẹt giúp bác sĩ cắt, đốt nhanh hơn. Không chỉ vậy, lưỡi dao có thể linh hoạt thay đổi được hình dạng và góc độ giúp bác sĩ thao tác dễ hơn trong phẫu trường hẹp; đồng thời bác sĩ có thể đưa dao Plasma tới những nơi xa và khó nhất, giúp lấy bỏ toàn bộ tổ chức viêm mạn tính quá phát, rút ngắn tối đa thời gian phẫu thuật. Nhờ đó, trẻ có thể ra viện chỉ sau 24h và ăn uống, vui chơi bình thường.
Để phòng các bệnh Tai Mũi Họng cho trẻ, Phó giáo sư Trần Phan Chung Thủy khuyến nghị, phụ nữ nên tiêm đầy đủ các loại vắc xin trước và trong thai kỳ phòng bệnh Rubella, cúm, ho gà, bạch hầu…. Thăm khám, tầm soát dị tật bẩm sinh trong thai kỳ và sau sinh, đồng thời cho trẻ tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin được khuyến nghị cho từng độ tuổi. Ở độ tuổi đến trường, nên hướng dẫn trẻ cách phòng ngừa các bệnh lây nhiễm như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, không dùng chung dụng cụ ăn uống, vệ sinh cá nhân. Hạn chế đến nơi đông người trong thời điểm có dịch bệnh. Ngoài ra, cha mẹ cần tăng cường sức đề kháng cho con với dinh dưỡng cân bằng, đầy đủ, hạn chế ăn uống đồ lạnh, luôn giữ ấm tai mũi họng trong thời tiết lạnh…
Nguyên Phương
* Tên nhân vật đã được thay đổi.
Vào lúc 20h ngày 20/4, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức chương trình tư vấn sức khỏe trực tuyến “Dính thắng lưỡi, Viêm Amidan, Viêm VA & bệnh Tai Mũi Họng ở trẻ em”.
Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia: PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy (Cố vấn Trung tâm Tai Mũi Họng), BS.CKII Nguyễn Thị Hạnh Lê (Phó khoa Nhi) và ThS.BS.CKII Hồ Thị Xuân Nga (Bác sĩ khoa Gây mê hồi sức).
Độc giả có thể đặt câu hỏi trực tiếp qua các fanpage hoặc gửi tại đây để được chuyên gia giải đáp
Comments are closed.