Con gái 5 tuổi ngực như thiếu nữ do dậy thì sớm
Bé gái chưa tròn 8 tuổi đã cao 1m42, nặng 35kg, do dậy thì sớm nhưng phát hiện muộn và bỏ lỡ thời gian vàng điều trị. Ngày 20/4, chị Minh (Tân Bình, TP HCM) đưa con gái Ngọc Hân gần 8 tuổi đến BVĐK Tâm Anh TP HCM tiêm thuốc kìm hãm tình trạng dậy thì sớm theo chỉ định bác sĩ. Đây là mũi tiêm đầu tiên của bé.
BS.CKI Nguyễn Thị Hạnh Trang cho biết, sức khỏe của Hân hoàn toàn bình thường, nhưng chiều cao cân nặng vượt ngưỡng phát triển. Tuyến vú 2 bên phát triển độ IV. Kết quả X-quang xương bàn tay phát triển tương đương bé 12 tuổi. Siêu âm tử cung – buồng trứng tăng kích thước, xét nghiệm hormon nội tiết tăng, cho thấy trẻ đã dậy thì.
“Hân bị dậy thì sớm trung ương và tiến triển, nguy cơ đe dọa chiều cao cuối cùng. Nếu không ức chế dậy thì, bé sẽ có kinh nguyệt trong thời gian tới, kéo theo nhiều hệ lụy”, bác sĩ Trang nói.
Chị Minh kể từ 5 tuổi ngực bé đã phát triển. Lớp 1 con đã sử dụng áo lót ngực để bớt mặc cảm với bạn. Gần đây, con gái mặt tròn, nổi mụn, ngực lớn, vùng kín mọc lông, cao gần bằng mẹ, phổng phao như thiếu nữ 14-15 tuổi gia đình lo lắng mới đưa con đi khám.
Hân có dấu hiệu cảnh báo sớm, nhưng gia đình hiểu nhầm con béo nên không đi khám sớm. Khi phát hiện đã khá trễ, bỏ qua giai đoạn vàng can thiệp. Các bác sĩ cho biết, tiêm thuốc sẽ giúp Hân trì hoãn việc có kinh nguyệt sớm, tuy nhiên có thể khó cải thiện chiều cao cuối cùng. Tuy vậy, việc điều trị là cần thiết, giúp bé ổn định tâm lý, trì hoãn việc có kinh nguyệt vì bé chưa biết tự vệ sinh thân thể, cũng như tránh nguy cơ bị lạm dụng tình dục… Hân được sử dụng thuốc tiêm 1 tháng-3 tháng/1 mũi tiêm, có thể kéo dài đến 11 tuổi.
Bác sĩ Hạnh Trang cho biết, dậy thì sớm đa số không tìm được nguyên nhân. Một số trẻ dậy thì sớm có nguyên nhân từ hệ thần kinh trung ương hoặc do các khối u ở buồng trứng, tử cung, tuyến yên, thượng thận hoặc tinh hoàn tiết ra nội tiết tố sinh dục.
Hiện nay, bé gái bắt đầu dậy thì trong khoảng 8-13 tuổi. Dậy thì sớm là khi trẻ gái có biểu hiện về thể chất và hormone của tuổi dậy thì ở lứa tuổi sớm hơn bình thường (trước 8 tuổi ở bé gái). Trẻ gái dậy thì sớm có các biểu hiện như: vú to, phát triển chiều cao vượt bậc, âm đạo có tiết dịch, nổi mụn, mọc lông ở nách và vùng kín,… Ở nam giới, tuổi dậy thì bắt đầu trong khoảng 9-14 tuổi, sớm là trước 9 tuổi.
Điều trị dậy thì sớm tùy thuộc nguyên nhân và thời điểm phụ huynh đưa trẻ đi khám. Nếu bác sĩ xác định được giai đoạn, loại dậy thì sớm, sẽ tiến hành điều trị ngay. Một số trường hợp, trẻ cần theo dõi thêm 3-6 tháng, mới có đánh giá cần điều trị hay không. Thời gian điều trị tùy thuộc nhiều yếu tố, phác đồ điều trị có thể kéo dài từ thời điểm bé được chẩn đoán cho đến khoảng 11 tuổi ở trẻ em gái và 12 tuổi ở trẻ trai. Tại BVĐK Tâm Anh TP HCM áp dụng 2 loại thuốc điều trị dậy thì sớm, loại tiêm 1 tháng/ mũi tiêm, loại thứ 2 là 3 tháng/ mũi tiêm.
Các thuốc điều trị có tác dụng làm giảm hoặc ngừng phát triển các đặc tính dậy thì và sự trưởng thành của xương để cải thiện chiều cao tuổi trưởng thành. Sau khi ngừng thuốc, đặc tính sinh dục sẽ phát triển trở lại trong vài tháng. Trẻ gái sẽ có kinh nguyệt, rụng trứng sau 12-18 tháng, hoàn toàn có thể mang thai, bé trai vẫn sản xuất tinh trùng bình thường.
“Vì quá trình điều trị kéo dài 2-3 năm, phụ huynh nên tuân thủ phác đồ điều trị, để đạt hiệu quả tốt nhất”, bác sĩ Trang khuyến cáo.
Theo bác sĩ Hạnh Trang, trẻ dậy thì sớm ngày càng gia tăng, tỷ lệ dậy thì sớm thế giới 1/5000-1/10.000. Tại Việt Nam chưa có thống kê tỷ lệ, nhưng số ca dậy thì sớm đến khám tại một số bệnh viện chuyên khoa nhi tăng dần qua mỗi năm.
Bệnh viện Nhi Trung ương đang quản lý hơn 1.000 trẻ dậy thì sớm. Bệnh viện Nhi đồng 2, mỗi năm bệnh tiếp nhận hơn 300 trường hợp đến khám. Tại BVĐK Tâm Anh TP HCM, gần như mỗi tuần đều phát hiện thêm 1-2 trường hợp dậy thì sớm cần điều trị.
Comments are closed.