Ngứa tai kéo dài coi chừng nhiễm nấm
Bị ngứa tai kéo dài, chủ quan không đi thăm khám, bệnh nhân đái tháo đường suýt bị điếc vì nhiễm nấm ống tai ngoài.
Vài tháng nay anh Vũ Khang, (36 tuổi, Củ Chi) thường xuyên bị ngứa tai ngoài bên phải. Theo thói quen anh hay đưa ngón tay út vào gãi và ngoáy. Một thời gian da tai tróc vảy trắng, có lúc gãi đến bật cả máu và nghe kém kèm đau nhức tăng dần. Anh nhờ vợ kiểm tra thì thấy ống tai đỏ, da mỏng bong tróc, có dịch tai vàng, dí sát mũi ngửi có mùi hôi.
Ngày 21/6 anh tới BVĐK Tâm Anh TP.HCM thăm khám. Bác sĩ tai mũi họng cho hay anh bị nhiễm nấm ống tai ngoài bên phải khá nặng, đã gây thủng màng nhĩ, tràn dịch tai và bắt đầu hoại tử xương chũm. Anh cần phải điều trị ngay kẻo nhiễm trùng lan rộng lên tổ chức nội sọ sẽ nguy hiểm tính mạng.
ThS.BS.CKI Diệp Phúc Anh (Trung tâm Tai Mũi Họng) cho biết, anh Khang có bệnh nền đái tháo đường type 2 nên nguy cơ nhiễm nấm cao. Chủ quan không thăm khám, nấm phát triển gây nhiễm trùng kéo dài dẫn đến thủng màng nhĩ, viêm xương chũm khá nghiêm trọng. May mắn sau phẫu thuật xương chũm và điều trị bằng kháng sinh toàn thân, tình trạng nhiễm trùng và nấm đã được giải quyết triệt để. Hai tuần sau phẫu thuật thính lực của bệnh nhân đã phục hồi hoàn toàn.
Nấm ống tai ngoài là tình trạng nhiễm trùng của ống tai ngoài gây ra bởi tác nhân vi nấm. Đây là một bệnh lý tai mũi họng khá thường gặp, gây khó chịu dai dẳng cho bệnh nhân nếu không được điều trị đúng cách. Bệnh thường xuất hiện ở các nước khí hậu nhiệt đới với đặc điểm độ ẩm cao. Người mắc bệnh mạn tính như đái tháo đường, HIV, ung thư, hội chứng suy giảm miễn dịch… gây khiến hệ miễn dịch yếu có nguy cơ cao bị nấm tấn công toàn thân, bao gồm cả ống tai ngoài.
Mặc dù triệu chứng thường chỉ xảy ra trong ống tai ngoài, không đe dọa tính mạng nhưng có thể tiến triển nặng gây thủng màng nhĩ làm giảm thính lực. Xâm lấn nhiễm trùng xương chũm nếu không được nhận biết và điều trị kịp thời có thể gây biến chứng lên sọ não như viêm màng não, áp xe não đe dọa tính mạng người bệnh.
Bác sĩ Phúc Anh khuyến cáo, khi có các triệu chứng ngứa tai, chảy dịch tai có mùi hôi, đau tai tăng hơn khi kích thích như kéo vành tai hoặc ấn vào nắp bình tai, ù tai, suy giảm thính lực, da ống tai bong tróc dẫn đến mỏng, đỏ, dễ chảy máu khi gãi… người bệnh nên thăm khám ngay với bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng. Nếu nấm ống tai ngoài nhẹ thì nên điều trị bằng các loại thuốc kháng nấm, kháng sinh tại chỗ theo kê đơn của bác sĩ. Nếu tình trạng nặng, có biến chứng nhiễm trùng xương chũm, thủng màng nhĩ… phẫu thuật là cần thiết để giải quyết nhiễm trùng và phục hồi thính lực cho người bệnh.(1)
Trong việc phòng ngừa bệnh nấm ống tai ngoài, bác sĩ Phúc Anh khuyên, mọi người nên vệ sinh tai sạch sẽ nhưng đúng cách. Nên sử dụng nút bịt tai khi đi bơi, khi tắm. Sau khi tắm nên làm khô tai bằng bông ngoáy tai. Không làm tổn thương tai và không nên lấy ráy tai bằng dụng cụ không đảm bảo vô trùng ở ngoài tiệm để tránh lây nhiễm nguồn bệnh.
Ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, cần chăm sóc tai kỹ lưỡng và kiểm tra tai thường xuyên. Điều này giúp phát hiện sớm các tình trạng viêm tai để điều trị kịp thời, tránh các biến chứng gây thủng màng nhĩ hoặc nhiễm trùng xương thái dương lan lên nội sọ.
Những bệnh nhân đái tháo đường bị bệnh nấm tai nên kiểm soát lượng đường huyết để ngăn ngừa các biến chứng do bệnh nấm tai.
Comments are closed.