Cổ phình to khi đang mang thai
Lo sợ ung thư tuyến giáp, chị Q. đến khoa Ngoại Tổng quát 2 (Vú – Đầu Cổ), BVĐK Tâm Anh TP.HCM khám bệnh ngay sau sinh.
Chị N.T.Q. (33 tuổi, Tây Ninh) vừa trải qua cuộc phẫu thuật cắt bướu cổ 6cm do thạc sĩ bác sĩ CKII Đoàn Minh Trông thực hiện. Tỉnh dậy sau cuộc phẫu thuật, chị không khàn giọng, được xuất viện sau 24 giờ, bác sĩ đánh giá sức khỏe ổn định, không biến chứng.
Bướu cổ tăng từ 0,5cm lên 6cm
Năm 2022, chị Q. tầm soát sức khỏe phát hiện bướu cổ lành tính có kích thước 0,5 cm. Sau đó chị mang thai, u tăng kích thước, được bác sĩ kê thuốc uống đảm bảo không ảnh hưởng đến thai nhi và sức khỏe của mẹ. Sinh em bé xong cũng là lúc bướu cổ phình to, khiến chị mất tự tin và lo bị ung thư tuyến giáp.
Ngày 12/6, chị đến khám tại khoa Ngoại Tổng quát 2 (Vú – Đầu Cổ), BVĐK Tâm Anh TP.HCM. Tiếp nhận người bệnh, bác sĩ Trông quan sát vùng cổ thấy bướu lớn, chỉ định siêu âm ghi nhận kích thước 6cm. Người bệnh được tiếp tục chọc hút bằng kim nhỏ dưới hướng dẫn siêu âm, xác định u lành tính. Tuy nhiên, bướu có kích thước lớn và tăng trưởng nhanh chóng khiến người bệnh mất tự tin.
Nguyên nhân do trong thời gian mang thai, cơ thể người mẹ sản xuất hormone giải phóng gonadotropin (GnRH) khiến tuyến giáp hoạt động quá mức và lớn hơn khoảng 10%-15% so với ban đầu, nhất là với phụ nữ thiếu hụt iốt. Với phụ nữ bị bướu cổ lúc mang thai, kích thước bướu sẽ tăng hơn mức này.
Nếu không phẫu thuật, bướu có thể tổn thương dây thần kinh thanh quản, chèn ép thực quản khiến người bệnh khó nuốt, ảnh hưởng đến việc ăn uống.
Sau khi được bác sĩ Trông tư vấn kỹ lưỡng, gia đình bệnh nhận đồng lòng phẫu thuật để sớm trở lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, bác sĩ Trông nhận định: “Phẫu thuật tuyến giáp nếu không cẩn thận dễ khiến người bệnh bị khàn giọng; chảy máu trong 24 – 48 tiếng sau mổ; tê yếu tay, chân do phẫu thuật tác động đến tuyến cận giáp; tụ dịch tại lỗ gây sưng, phù nề vùng cổ”. Do đó, để ca mổ diễn ra an toàn, ekip phẫu thuật lên phương án chi tiết.
Sáng 20/6, bác sĩ Trông và ê kíp bác sĩ khoa Ngoại Tổng quát 2, BVĐK Tâm Anh phẫu thuật cắt thùy giáp trái cho người bệnh. Tuyến giáp nằm trước cổ, dính liền là 2 tuyến cận giáp trên và 2 tuyến cận giáp dưới; phía sau là dây thần kinh quặt ngược thanh quản (chi phối cho giọng nói). Êkíp đưa dao siêu âm bóc tách cắt trọn thùy giáp trái mang khối u lớn, hạn chế tổn thương cơ quan quan trọng như thần kinh quặt ngược thanh quản, tuyến cận giáp, các mạch máu… Chỉ sau 60 phút, bác sĩ Trông báo ca phẫu thuật hoàn thành.
Ngay sau mổ, chị T. nói chuyện bình thường, không khàn giọng. Vết thương được băng bằng gạc y tế vô trùng. Người bệnh được xuất viện sau 24 giờ kể từ lúc nhập viện phẫu thuật, vết thương khô ráo, các chỉ số hiệu sinh (huyết áp, oxy máu…) ổn định.
Bướu cổ lành tính cũng phải theo dõi
Theo bác sĩ Đoàn Minh Trông, bướu cổ (bướu tuyến giáp) lành tính là tình trạng kích thước tuyến giáp tăng lên, sưng to bất thường do tế bào tuyến giáp phát triển quá mức hoặc không đồng đều.
Hầu hết bướu cổ lành tính không nguy hiểm. Tuy nhiên, các bướu cổ lành tính có kích thước lớn cũng có thể dẫn đến tổn thương thần kinh (liệt dây thần kinh hoành, hội chứng Horner và liệt dây thần kinh thanh quản tái phát). Ngoài ra, tuyến giáp quá lớn chèn ép thực quản khiến người bệnh khó nuốt, ảnh hưởng đến việc ăn uống, thiếu chất dinh dưỡng.
Có nhiều nguyên nhân gây bướu cổ, trong đó, có 2,2 tỷ người trên toàn cầu bị bướu cổ do thiếu i-ốt. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân sau: di truyền, sống ở vùng thiếu i-ốt, bệnh Basedow, viêm tuyến giáp, u tuyến yên tiết hormone kích thích tuyến giáp…
Hầu hết bướu cổ lành tính không có dấu hiệu hoặc triệu chứng nào khác ngoài sưng ở cổ. Trong nhiều trường hợp, bướu cổ nhỏ đến mức chỉ được phát hiện khi vô tình đi khám sức khỏe, xét nghiệm, chụp phim…
Với những bướu nhỏ, chức năng tuyến giáp bình thường, không gây nuốt nghẹn, khó thở… sẽ được theo dõi, khám định kỳ mà không cần điều trị. Còn các bướu cổ lớn, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, chức năng tuyến giáp, gây nuốt khó, thở… bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc, phẫu thuật.
Bác sĩ Trông khuyên phụ nữ bị bướu cổ khi mang thai cần theo dõi sát với bác sĩ để có đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Người dân khi bị bướu cổ cần thăm khám định kỳ. Ngoài ra, trong chế độ ăn uống hàng ngày, cần bổ sung đầy đủ cá biển, muối i-ốt… Thực hiện lối sống lành mạnh (không thức khuya, hạn chế uống rượu, bia, hút thuốc, tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày) để nâng cao sức khỏe tổng thể, phòng tránh được nhiều bệnh: tiểu đường, bướu cổ, cường giáp…
Comments are closed.