14 năm dành cả gia tài và thanh xuân đi tìm con
Đôi vợ chồng kết hôn đã lâu nhưng chưa có con, biệt tích cả năm trời trở về quê có thêm đứa trẻ, cả xóm ngỡ ngàng.
Bé Tâm Nhi, tên gọi ở nhà là Pảo Bao vừa chào đời tháng 2/2023 là “bảo bối” vợ chồng anh chị Phong – Bình có được sau lần chuyển phôi đầu tiên tại BVĐK Tâm Anh TP HCM.
Từ khi có kết quả xét nghiệm beta báo tin đậu thai, hai vợ chồng từ Kiên Giang quyết định ở lại TP HCM dưỡng thai, chờ vượt cạn. Hơn một năm bỏ nhà cửa, bỏ công việc kinh doanh để chuyên tâm đi tìm con, hao tốn thời gian, tiền bạc, sức khỏe…, cái giá phải trả quá lớn để có đứa con nhưng cả hai đều hạnh phúc và chưa bao giờ hối hận với quyết định này.
Kết hôn từ năm 2009, trải qua 14 năm mong mỏi, đến năm 37 tuổi, chị Bình mới được làm mẹ. Hơn 1 thập kỷ chạy chữa hiếm muộn, 2 lần kích trứng, 5 lần chuyển phôi thất bại, quá nhiều thăng trầm khiến gia đình 2 bên khuyên họ nên bỏ cuộc.
Chị Bình từng một lần mang thai tự nhiên rồi bị sẩy. Một thời gian sau, họ khăn gói lên TP HCM bắt đầu hành trình tìm con. Ban đầu, bác sĩ chỉ định họ bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) nhưng không đậu. Đi tìm bệnh viện khác, vợ được chẩn đoán lạc nội mạc tử cung. Căn bệnh này vốn đã hành hạ chị trong nhiều năm, gây đau đớn và đảo lộn chu kỳ kinh. Có lúc 2-3 tháng chị mới có kinh nguyệt, kỳ kinh kéo dài nửa tháng, chị choáng váng, xây xẩm mặt mày vì thiếu máu.
Từ năm 2015, họ bắt đầu hành trình IVF. Sau 2 lần chuyển phôi IVF không thành công, năm 2019 chị tiếp tục mổ bóc lạc nội mạc tử cung. Thêm 3 lần nỗ lực chuyển phôi thất bại. Một chặng đường dài tìm con tiêu tốn hơn 1 tỷ đồng mà vợ chồng vẫn trắng tay về quê.
“Trong 5 lần chuyển, có 4 lần tôi đậu thai nhưng thoái triển, khi thì lưu sẩy bác sĩ phải đặt thuốc để đẩy thai ra ngoài, vô cùng đau đớn”, chị nhớ lại.
Một lần sa bằng ba lần đẻ. Thấy sức khỏe chị bị tàn phá, gia đình nội ngoại không còn ai nhắc chuyện tìm con. Năm 2021, chị xốc lại tinh thần quyết đi tìm con sau khoảng thời gian nghỉ ngơi do dịch Covid-19. Nhà chồng, nhà mẹ đẻ, ông xã đều khước từ.
“Tôi khóc năn nỉ xin gia đình cho mình đi chữa lần cuối. Nếu không thành công, bản thân sẽ chấp nhận đầu hàng, coi như số phận không con. Lúc ấy, gia đình mới đồng ý…”, chị nói.
Công việc kinh doanh shop mỹ phẩm đành gửi mẹ chồng trông coi, nhờ các em bán hộ tránh chuyện tồn hàng. Chị Bình mượn thêm tiền bố mẹ đẻ, làm “vốn” đi tìm con.
Tháng 11/2021, anh chị mang theo xấp hồ sơ dày đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh TP HCM. Đối mặt với bác sĩ Giang Huỳnh Như, Giám đốc Trung tâm, chị Bình khóc như đứa trẻ.
“Bác sĩ nói sẽ dùng những phương pháp tốt nhất giúp tôi có con và tiết kiệm chi phí. Câu nói ấy vợ chồng tôi khắc cốt ghi tâm, bởi suốt 14 năm chạy vạy tìm con, lần đầu tiên có một bác sĩ chia sẻ với người bệnh gánh nặng chi phí”, chị Bình nhớ lại.
Theo bác sĩ Như, trong điều trị có con, điều quan trọng nhất là tuổi người vợ và thời gian mong con của họ. Chị Bình là một trường hợp khó do lớn tuổi, thời gian mong con đã lâu, thất bại chuyển phôi nhiều lần, tiền sử thai lưu/sảy tự nhiên nên khó giữ thai. Người bệnh còn bị cao huyết áp, tiền tiểu đường buộc bác sĩ Như gửi gắm 2 chuyên khoa Tim Mạch, Nội tiết điều trị ổn định trước khi bắt đầu thực hiện IVF.
Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là tất cả những trở ngại mà bác sĩ Giang Huỳnh Như cùng người bệnh phải trải qua.
Khi bắt tay vào điều trị, bác sĩ Giang Huỳnh Như khá bất an vì hai buồng trứng của chị Bình rất khó khăn khi quan sát trên siêu âm. Sau vài lần thao tác kiếm tìm, bác sĩ phát hiện 2 buồng trứng treo cao, dính vào thành bụng, tiên lượng quá trình chọc hút lấy trứng không hề đơn giản. “Dính vết mổ là nguy cơ thường gặp sau một can thiệp phẫu thuật vào vùng bụng. Nghĩa là sau lần mổ bóc lạc nội mạc tử cung trước đó, không may tử cung chị Bình dính vào thành bụng, các vòi trứng, buồng trứng bị treo cao bất thường”, bác sĩ Như lý giải.
Ngày chọc hút trứng, bác sĩ Như túa mồ hôi vì căng thẳng. Hai mươi năm trong ngành hiếm muộn, đây là một trong những ca chọc hút khó khăn nhất. Ê kíp phải dùng mọi cách đẩy buồng trứng xuống, chọc hút được 4 cụm noãn phải dừng vì lo ngại tổn thương tạng lân cận.
“Số lượng trứng mỗi chu kỳ IVF cần từ 10-15 trứng. Bình chỉ lấy được 4 trứng, nếu labo không nuôi phôi tốt, con như thua”, bác Như lo lắng.
“Nuôi phôi là một trong những thế mạnh vượt trội của IVFTA-HCM”, bác sĩ Như cho biết. So với các labo phôi học thông thường, phòng lab nuôi cấy siêu sạch chuẩn ISO 5 tại IVF Tâm Anh có khả năng bảo vệ phôi khỏi tình trạng phơi nhiễm với các yếu tố ngoại cảnh bất lợi. Kết hợp kép giữa labo ISO 5 và hệ thống tủ nuôi cấy phôi hiện đại giúp phôi có đủ điều kiện phát triển tốt nhất như trong môi trường tử cung người mẹ. Đồng thời, tủ nuôi cấy time-lapse gắn camera quan sát liên tục 24/24, tích hợp phần mềm đánh giá phôi bằng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ chuyên viên phôi học quan sát, đánh giá, lựa chọn được các phôi tốt nhất để chuyển vào tử cung người mẹ, tăng khả năng sử dụng phôi nang lên 70-80%, tăng tỷ lệ IVF thành công.
Mọi thứ diễn ra như một kỳ tích. Chỉ từ 4 trứng, labo phôi học của IVF Tâm Anh tiến hành thụ tinh tạo và nuôi cấy được trọn vẹn 4 phôi ngày 5 loại 1. Nghe bác sĩ báo phôi, gia đình lóe thêm hy vọng, bởi điều trị ở những trung tâm khác, chị Bình có được 7 phôi nhưng chất lượng chỉ khá và trung bình. Khi nuôi lên ngày 5, không có phôi nào đạt loại 1.
Có được 4 phôi quý, bác Như không vội vàng chuyển phôi ngay. Vị chuyên gia giàu kinh nghiệm đã dành tới 6 tháng giúp chị Bình ức chế tình trạng lạc nội mạc tử cung và chuẩn bị niêm mạc trước chuyển phôi. Người bệnh được kê toa thuốc để an tâm về quê điều trị, tiết kiệm chi phí.
Tháng 7/2022, chị Bình quay trở lại bệnh viện để chuyển phôi. Họ quyết định ở lại nhà người thân ở TP HCM chờ đợi. Khi có kết quả beta hơn 300mUI/ml, cả 2 biết đã đậu thai nhưng chưa dám vui mừng. Nghe được tiếng tim thai đập khỏe khoắn, trái tim 2 vợ chồng lớn tuổi cũng đập rộn ràng. Anh chị không dám vui, vì vẫn ám ảnh nỗi sợ mất con.
Tử cung kém giãn nở vì bệnh lý lạc nội mạc, giữ được thai cho chị Bình vô cùng khó khăn. Đầu thai kỳ, người mẹ ra huyết kéo dài phải nhập viện dưỡng thai. Chị Bình khám thai 10 lần trong 3 tháng, siêu âm kiểm tra liên tục và kiên trì theo phác đồ dưỡng thai của bác sĩ Giang Huỳnh Như.
Qua ngưỡng tam cá nguyệt thứ nhất, vợ chồng tiếp tục nương nhờ nhà người thân ở TP HCM chờ ngày sinh nở. Thai kỳ tiếp tục thử thách, chị phải nhập viện lần 2, được các bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP HCM điều trị nhiễm trùng tiểu, tiểu đường thai kỳ. Trong suốt quá trình lưu viện, chị Bình cũng được các bác sĩ tim mạch, tiểu đường, tiết niệu đến thăm khám mỗi ngày.
Đến tuần 35, chị Bình bất ngờ vỡ ối sớm, được BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi mổ lấy thai. Em bé sinh non nặng 2,6kg, phải theo dõi sức khỏe ở Trung tâm Sơ sinh. Ba ngày sau đó, gia đình được đoàn tụ.
Nói về thành công khi điều trị cho một ca bệnh khó, bác sĩ Giang Huỳnh Như xem đây là thành quả của “một tập thể khổng lồ”. Để giúp chị Bình đậu thai, đón con chào đời khỏe mạnh phải huy động gần nửa số chuyên khoa có tại bệnh viện Tâm Anh. Từ Hỗ trợ sinh sản, Tim mạch, Tiết niệu, Sản, Sơ sinh, Nội tiết, Gây mê hồi sức, Chẩn đoán hình ảnh, Xét nghiệm…
Rút kinh nghiệm từ chính bản thân, chị Bình khuyên các cặp đôi hiếm muộn, nên cân nhắc trong quyết định chọn nơi điều trị. Nếu lựa chọn nơi điều trị hợp lý ngay từ đầu, có thể anh chị có được con sớm hơn, tiết kiệm sức khỏe, thời giờ và tiền bạc. Từ câu chuyện của mình, chị muốn nhắn nhủ đến các cặp đôi gặp khó trong chặng đường tìm con: “Ba mẹ ơi, đừng bỏ cuộc. Con vẫn đang chờ và đợi ba mẹ ở cuối con đường hạnh phúc. Hãy kiên trì, cố gắng hết sức, hết khả năng, một ngày nào đó, con sẽ đến”.
“Cảm ơn bác sĩ Giang Huỳnh Như – người đã giúp tôi thực hiện ước mơ làm mẹ. Cảm ơn bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi đã đưa bé bình an chào đời. Cảm ơn bác sĩ Nguyễn Thị Kim Học đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong những ngày đầu bỡ ngỡ làm mẹ”, chị Bình nói.
Comments are closed.